Cháy nổ luôn là mối hiểm họa khôn lường, thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng cũng như thiệt hại lớn về tài sản thậm chí có những vụ việc để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng và thương tâm. Trong năm 2022 trên cả nước đã xảy ra hơn 1700 vụ cháy nổ và làm tử vong hơn 100 người, thiệt hại hằng trăm tỷ đồng. Gióng lên hồi chuông cảnh báo đó là chúng ta không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ cháy nổ luôn rình rập mọi lúc mọi nơi.
Nguyên nhân thực tế gây ra các vụ cháy, nổ chủ yếu là do:
1. Hệ thống điện kém an toàn: Dây dẫn nhỏ, cắm nhiều thiết bị điện trên 1 ổ cắm điện dẫn đến quá tải gây chập cháy; dây dẫn cũ, đặt những vật dễ cháy ở gần ổ điện....
2. Bất cẩn trong khi thắp hương, đốt nến thờ cúng
3. Quá trình đun nấu bất cẩn: Để rò rỉ khí ga, than củi cháy chưa dập hết lửa, tàn, bếp nẩu củi bừa bộn.
4. Hút thuốc để lại tàn chưa dập tắt vào các thùng rác
5. Xạc điện vào các thiết bị qua đêm: xạc điện thoại, xạc máy tính, xạc xe đạp, xe máy điện...
Kính thưa toàn thể nhân dân!
Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, với mục tiêu ngăn chặn kịp thời tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy thiệt hại về tính mạng, tài sản cho mọi người, mọi gia đình và cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, đề nghị nhân dân thực hiện tốt các giải pháp sau.
I. Tại nơi ở: Chủ hộ và các thành viên trong mỗi gia đình cần thực hiện.
1. Mỗi gia đình chủ động trang bị ít nhất 01 bình PCCC và các phương tiện PCCC đồng thời hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng.
2. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; ngắt attomat khi xảy ra chạm chập. Thường xuyên kiểm tra bếp gas. Khi phát hiện có rò rỉ gas, hoặc ngửi thấy mùi gas tuyệt đối không bật bộ phận đánh lửa của bếp, không bật công tắc điện, đèn hay bất cứ dụng cụ thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt nào; nhanh chóng mở cửa để gió tự nhiên vào cho thông thoáng khu vực nhà bếp. Đồng thời kiểm tra vị trí bị rò rỉ và gọi người của đại lý gas đến thu hồi vỏ bình, tuyệt đối không được tự ý sửa chữa vỏ bình.
3. Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 2m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, bánh kẹo, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn.
4. Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà. Trường hợp cần thiết phải dự trữ thì phải bảo quản trong các dụng cụ không cháy kín, chắc chắn, để cách xa các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
II. Đối với nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh
1. Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ; niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.
2. Trang bị đầy đủ bình chữa cháy, trang thiết bị phương tiện phá dỡ (búa, rìu, v.v…) đặt ở bên trong cơ sở. Đồng thời thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, khắc phục những thiếu sót về PCCC.
3. Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, bảng điện, ổ cắm, cầu dao, ATOMAT ít nhất là 0,5 mét. Không để hàng hoá, vật liệu dễ cháy dưới hoặc đè lên ổ cắm, bảng điện, cầu dao ATOMAT.
Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra phải hô hoán cho mọi người cùng biết, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy qua số điện thoại 114. Sau đó nhanh chóng tìm cách thoát nạn, cứu người và sử dụng các dụng cụ chữa cháy tại chỗ để khống chế dập tắt đám cháy.
PCCC là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân.